Bản tin

QUYẾT ĐỊNH Ban hành Chuẩn mực và Quy tắc để xây dựng văn hóa học đường Trường Cao đẳng nghề Bạc Liêu

 UBND TỈNH BẠC LIÊU             CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

       TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ                         Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

                                           

           Số:        /QĐ-CĐN                                Bạc Liêu, ngày     tháng    năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Chuẩn mực và Quy tắc để xây dựng

văn hóa học đường Trường Cao đẳng nghề Bạc Liêu

 
 

 

 

HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ BẠC LIÊU

Căn cứ Luật phòng chống tham nhũng ngày 29 tháng 11 năm 2015; Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008; Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010; Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014 và Nghị định 48/2015/NĐ-CP;

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự điễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị số 06-CT/TU, ngày 06/7/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh Ủy Bạc Liêu về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Kế hoạch số 15-KH/ĐUK, ngày 27/02/2017 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Bạc Liêu, Kế hoạch số 05-KH/ĐU, ngày 02/3/2017 của Đảng ủy Trường về việc thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII);  

Căn cứ Quyết định số 1396/QĐ-LĐTBXH ngày 05 tháng 11 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội về việc thành lập Trường Cao đẳng nghề Bạc Liêu;

Căn cứ nhiệm vụ quyền hạn của Hiệu trưởng theo Quyết định số 1714/QĐ-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu về việc phê duyệt Điều lệ của Trường Cao đẳng nghề Bạc Liêu;

          Căn cứ Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 23 tháng 02 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2015-2020”;

Nay ban hành Chuẩn mực và Quy tắc để xây dựng văn hóa học đường với nội dung như sau:

 

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định các chuẩn mực và quy tắc xử sự của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác tại Trường Cao đẳng nghề Bạc Liêu (sau đây viết tắt là Trường CĐN Bạc Liêu).

Điều 2. Mục đích quy định về chuẩn mức và quy tắc xây dựng văn hóa học  đường Trường CĐN Bạc Liêu

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) và Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong nhà trường - xây dựng văn hóa học đường là nhằm đảm bảo sự liêm chính và tăng cường tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghĩa vụ của mọi cá nhân trong nhà trường.

Thực hiện công khai các hoạt động khi thi hành nhiệm vụ, khi học tập, nghiên cứu và quan hệ xã hội của cán bộ, giảng viên, nhân viên. Nâng cao ý thức, tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, viên chức, người lao động trong thực hiện các quy định của pháp luật.

Là cơ sở để giám sát việc chấp hành pháp luật, nội quy kỷ luật đơn vị, xử lý trách nhiệm khi cán bộ, viên chức, người lao động vi phạm các chuẩn mực đạo đức trong khi thi hành nhiệm vụ và trong các mối quan hệ công tác.

Là căn cứ để đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức hàng năm và chấm điểm rèn luyện đối với HSSV.

Chương II

QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC,

NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG TRƯỜNG

 

 Điều 3. Phẩm chất chính trị

1. Chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Thi hành nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật. Không ngừng rèn luyện, học tập, nâng cao trình độ để vận dụng vào hoạt động giảng dạy, phục vụ giảng dạy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

2. Thực hiện đúng những quy định trong Luật công chức, Luật viên chức, Luật giáo dục nghề nghiệp, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định khác của pháp luật.

3. Có ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm sự điều động, phân công của tổ chức, luôn phấn đấu vì sự nghiệp chung, bảo vệ danh dự nhà giáo. Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia các hoạt động chính trị, xã hội.

Điều 4. Đạo đức nghề nghiệp

1. Tâm huyết với nghề nghiệp, tận tụy với công việc được giao, có ý thức giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín, lương tâm nhà giáo, có tinh thần đoàn kết, kiên quyết đấu tranh chống những hiện tượng bè phái, cửa quyền, quan liêu và các hành vi khác vi phạm dân chủ, kỷ cương, nề nếp trong Trường. Thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, chống bệnh thành tích.

2. Giảng dạy theo đúng nội dung, chương trình đã được Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục dạy nghề và Trường CĐN Bạc Liêu quy định; viết giáo trình, phát triển tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập theo sự phân công của Trường, Bộ môn. Chịu sự giám sát của các cấp quản lý về chất lượng, nội dung, phương pháp giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

3. Công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học. Tôn trọng nhân cách người học, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người học.

Điều 5. Lối sống, tác phong

1. Sống có lý tưởng, có mục đích, có ý chí vượt khó vươn lên, có tinh thần phấn đấu liên tục với động cơ trong sáng và tư duy sáng tạo; thực hành cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh;

2. Có lối sống giản dị lành mạnh, hòa hợp với cộng đồng, phù hợp với bản sắc dân tộc và thích ứng với sự tiến bộ của xã hội; ủng hộ, khuyến khích những lối sống văn minh, tiến bộ và phê phán những biểu hiện của lối sống lạc hậu, ích kỷ;

3. Tác phong làm việc nhanh nhẹn, khẩn trương, khoa học; có thái độ văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội, trong giao tiếp với đồng nghiệp, với người học; giải quyết công việc khách quan, tận tình, chu đáo;

4. Trang phục khi thực hiện nhiệm vụ phải giản dị, gọn gàng, lịch sự, phù hợp với môi trường giáo dục, không gây phản cảm và phân tán sự chú ý của người học;

5. Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ; đấu tranh ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật và các quy định nghề nghiệp. Quan hệ, ứng xử đúng mực với đồng nghiệp và với người học;

6. Xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng.

Điều 6. Các hành vi bị cấm

1. Hút thuốc lá trong phòng làm việc, trong phòng họp, hội trường, nơi đông người;

2. Uống rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc (trừ trường hợp được sự đồng ý của lãnh đạo cơ quan vào các dịp liên hoan, lễ tết, tiếp khách), hoặc ngoài giờ làm việc uống rượu, bia say, bê tha, không làm chủ được bản thân;

 3. Các hành vi gây phiền hà, sách nhiễu; nhận các lợi ích bất hợp pháp từ người đến giao dịch, công tác;

 4. Đánh bạc dưới mọi hình thức và tham gia các tệ nạn xã hội, các hoạt động giải trí không lành mạnh.

Chương III

QUY TẮC CÔNG TÁC, SINH HOẠT TRONG TRƯỜNG

 

Điều 7. Quy tắc của công chức, viên chức, người lao động khi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao

1. Những việc phải làm:

a) Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về nghĩa vụ của công chức, viên chức, người lao động;

b) Có đạo đức, nhân cách và lối sống lành mạnh, trong sáng của người thầy theo quan điểm cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư;

c) Có ý thức tổ chức kỷ luật; thực hiện đúng quy trình chuyên môn, nghiệp vụ, nội quy, quy chế làm việc của ngành, của đơn vị;

d) Học tập thường xuyên nhằm nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp, ứng xử;

đ) Phục tùng và chấp hành nhiệm vụ được giao; chủ động, chịu trách nhiệm trong công việc;

e) Đóng góp ý kiến trong hoạt động, điều hành của đơn vị nhằm bảo đảm thực hiện công vụ, nhiệm vụ được giao đạt hiệu quả;

g) Giữ uy tín, danh dự cho đơn vị, cho lãnh đạo và đồng nghiệp;

h) Mặc trang phục công sở gọn gàng, chỉnh tề phù hợp với môi trường sư phạm, đeo thẻ công chức, viên chức đúng quy định về việc tăng cường thực hiện kỷ cương và nếp sống văn hóa;

i) Hết giờ làm việc, trước khi ra về phải kiểm tra, tắt điện… để đảm bảo tiết kiệm điện và an toàn cơ quan.

 2. Những việc không được làm:

a) Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao;

b) Lạm dụng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và danh tiếng của cơ quan, đơn vị để giải quyết công việc cá nhân; tự đề cao vai trò của bản thân để vụ lợi;

c) Phân biệt đối xử về dân tộc, nam nữ, các thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức;

d) Không lớn tiếng khi trao đổi, tranh luận trong công việc cũng như hội họp, trang điểm loè loẹt, nhuộm tóc màu sặc sỡ…

Điều 8. Quy tắc của công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị

1. Những việc phải làm:

a) Trung thực, chân thành, đoàn kết, có tinh thần hợp tác, chia sẻ trách nhiệm, giúp đỡ lẫn nhau;

b) Tự phê bình và phê bình khách quan, nghiêm túc, thẳng thắn, mang tính xây dựng;

c) Tôn trọng và lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp; phối hợp, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau trong thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao;

 d) Phát hiện công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị thực hiện không nghiêm túc các quy định của pháp luật về nghĩa vụ của công chức, viên chức, người lao động và phản ánh đến cấp có thẩm quyền, đồng thời chịu trách nhiệm cá nhân về những phản ánh đó.

2. Những việc không được làm:

a) Né tránh, đẩy trách nhiệm, khuyết điểm của mình cho đồng nghiệp;

b) Bè phái, chia rẽ nội bộ, cục bộ địa phương.

Điều 9. Quy tắc của công chức, viên chức, người lao động đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài đơn vị

1. Những việc phải làm:

a) Lịch sự, hòa nhã, văn minh khi giao dịch trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện thông tin;

b) Bảo đảm thông tin trao đổi đúng với nội dung công việc mà cơ quan, tổ chức, công dân cần hướng dẫn, trả lời;

c) Tuyên truyền, hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm nội quy đơn vị, quy trình, quy định về chuyên môn, nghiệp vụ;

d) Giữ gìn bí mật thông tin liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật cơ quan, bí mật cá nhân theo quy định của pháp luật. 

2. Những việc không được làm:

a) Cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, trì hoãn, thờ ơ, gây khó khăn đối với tổ chức, cá nhân;

b) Cố ý kéo dài thời gian khi thi hành công vụ, nhiệm vụ liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân;

c) Có thái độ, gợi ý nhận tiền, quà biếu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Điều 10. Quy tắc của lãnh đạo và cán bộ quản lý Nhà trường

1. Những việc phải làm:

a) Phân công công việc cho từng viên chức trong đơn vị công khai, hợp lý, phù hợp với nhiệm vụ và năng lực chuyên môn của từng công chức, viên chức theo quy định của pháp luật;

b) Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, đạo đức nghề nghiệp, giao tiếp ứng xử của công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý; khen thưởng kịp thời công chức, viên chức có thành tích, xử lý kỷ luật nghiêm, khách quan đối với công chức, viên chức vi phạm theo quy định của pháp luật;

c) Nắm bắt nhân thân, tâm tư, nguyện vọng của công chức, viên chức để có cách thức sử dụng, điều hành phù hợp với từng đối tượng nhằm phát huy khả năng, kinh nghiệm, tính sáng tạo, chủ động của từng cá nhân trong việc thực thi công vụ, nhiệm vụ được giao;

d) Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện trong học tập, nâng cao trình độ và phát huy tư duy sáng tạo, sáng kiến của từng công chức, viên chức;

đ) Tôn trọng, tạo niềm tin cho công chức, viên chức khi giao nhiệm vụ; có kế hoạch theo dõi, kiểm tra, tạo thuận lợi để công chức, viên chức thực hiện tốt nhiệm vụ, công vụ;

e) Lắng nghe ý kiến phản ánh của công chức, viên chức; bảo vệ danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công chức, viên chức thuộc đơn vị quản lý;

g) Xây dựng, giữ gìn sự đoàn kết và môi trường văn hóa trong đơn vị.

2. Những việc không được làm:

a) Chuyên quyền, độc đoán, gia trưởng, xem thường cấp dưới, không gương mẫu, nói không đi đôi với làm;

b) Khen thưởng, xử lý hành vi vi phạm thiếu khách quan;

c) Cản trở, xử lý không đúng quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích hoặc các thông tin khác về người tố cáo;

d) Những việc đã bị cấm hoặc hạn chế liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Điều 11. Quy tắc giữa HSSV với thầy, cô giáo và giữa thầy, cô giáo đối với HSSV

1. Những việc nên làm

a) Giữa HSSV với HSSV

- Luôn tôn trọng, hoà nhã với bạn bè;

- Giúp đỡ bạn trong lúc khó khăn hoạn nạn;

- Giúp bạn học tập tiến bộ, tích cực;

          - Biết thông cảm, chia sẽ những buồn vui với chí hướng, lý tưởng của bạn;

          - Khiêm tốn khi đánh giá về mình;

          - Thật thà, trung thực khi đối xử với bạn.

          b) Giữa HSSV với thầy cô giáo

         - Lễ phép, tôn trọng và vâng lời thầy cô giáo;

         - Thân thiện nhưng giữ khoảng cách thầy trò.

          c) Giữa HSSV với người lớn tuổi

          - Lễ phép kính trọng người lớn tuổi;

          - Biết kính trên nhường dưới;

          - Giúp đỡ người lớn tuổi khi gặp khó khăn.

          d) Giữa giáo viên và HSSV

          - Tôn trọng ý kiến cá nhân, đối xử công bằng;

          - Biết lắng nghe và cùng chia sẽ những khó khăn trong cuộc sống;

          - Ứng xử thân thiện, hòa nhã, không phân biệt đối xử;

          - Giúp đỡ quan tâm các em có hoàn cảnh đặc biệt;

          - Thấu hiểu nỗi buồn riêng, hoàn cảnh riêng của mỗi học sinh;

          - Tùy vào từng đối tượng học sinh cụ thể mà có cách ứng xử riêng;

          - Có tinh thần trách nhiệm cao trong cách cư xử đối với học sinh;

          - Luôn là tấm gương sáng, mẫu mực cho học sinh noi theo;

          - Luôn đặt tình thương và trách nhiệm lên hàng đầu.

          đ) Giữa giáo viên và giáo viên

          - Phải tôn trọng đồng nghiệp;

          - Chia sẽ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống;

          - Sống hòa đồng, chan hòa, thân thiện;

          - Ứng xử văn minh, lịch sự với đồng nghiệp;

          - Sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp khi gặp khó khăn hoạn nạn “một miếng khi đói bằng một gói khi no”;

          - Biết tự phê bình và phê bình cao trong mỗi cá nhân trước tập thể;

          - Góp ý chân thành khi đồng nghiệp làm việc sai;

          - Lắng nghe sự góp ý của người khác;

          - Nhìn nhận và đánh giá vấn đề một cách khách quan và trung thực;

          - Hy sinh quyền lợi cá nhân “một người vì mọi người.

          e) Giữa giáo viên và phụ huynh

          - Xác định mối quan hệ mật thiết thường xuyên, qua lại;

          - Cùng quan tâm chia sẽ những điều trong cuộc sống thường nhật;

          - Thông tin hai chiều luôn được giữ vững;

          - Luôn giữ vững uy tín phẩm chất đạo đức nhà giáo;

          - Giữ vững mối quan hệ mật thiết nhưng phải giữ khoảng cách, tránh lạm dụng tình cảm. Thường xuyên trao đổi vấn đề vướng mắc của con em, cùng nhẹ nhàng tháo gỡ.

          2. Những việc không được làm

          a) Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên nhà trường và học sinh, sinh viên khác;

          b) Gian lận trong học tập như: quay cóp, mang tài liệu vào phòng thi, xin điểm; học, thi, thực tập hộ người khác hoặc nhờ người khác học, thi, thực tập; sao chép hoặc các hành vi gian lận khác;

          c) Hút thuốc, uống rượu, bia trong giờ học; say rượu, bia khi đến trường;

          d) Làm mất an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội trong trường hoặc nơi công cộng;

          đ) Tham gia hoặc tổ chức đua xe, cổ vũ đua xe trái phép;

          e) Tham gia hoặc tổ chức đánh bạc dưới mọi hình thức;

          g) Không nhuộm tóc màu loè loẹt, để tóc gây phản cảm;

          h) Sản xuất, buôn bán, vận chuyển, phát tán, tàng trữ, sử dụng hoặc lôi kéo người khác sử dụng vũ khí, chất nổ, các chất ma tuý, các loại hoá chất cấm sử dụng, các tài liệu, ấn phẩm, thông tin phản động, đồi truỵ và các tài liệu cấm khác theo quy định của Nhà nước; tổ chức, tham gia, truyền bá các hoạt động mê tín dị đoan, các hoạt động tôn giáo trong nhà trường và các hành vi vi phạm đạo đức khác;

          i) Tổ chức hoặc tham gia các hoạt động mang tính chất chính trị trái pháp luật; tổ chức, tham gia các hoạt động tập thể mang danh nghĩa nhà trường khi chưa được phép;

          k) Thực hiện những hành vi khác, trái với pháp luật của Nhà nước và nội quy, quy chế, quy định, hướng dẫn của Nhà trường.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 Điều 12. Trách nhiệm thi hành

1. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, HSSV có trách nhiệm thực hiện và vận động các đồng nghiệp thực hiện đúng các quy định này.

2. Phòng Tổ chức - Hành chính có trách nhiệm giúp Hiệu trưởng kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định này.

3. Các Phòng chức năng, các Khoa chuyên môn các Trung tâm thuộc Trường  có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện quy định này.

Điều 13. Xử lý vi phạm

Các đơn vị, cá nhân nếu vi phạm quy định này, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của đơn vị và của pháp luật.

Điều 14. Hiệu lực thi hành

Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký Quyết định ban hành.

Toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên trường Cao đẳng nghề Bạc Liêu chịu trách nhiệm thi hành quyết định này

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc, đề nghị kịp thời phản ánh về Phòng Tổ chức - Hành chính để tổng hợp trình Hiệu trưởng xem xét, quyết định./.

 

Nơi nhận:                                                               Q. HIỆU TRƯỞNG

- BGH (chỉ đạo);

- Các Phòng, Khoa, Trung tâm

(triển khai thực hiện);

- HSSV Trường (thực hiện);

- Lưu VT.                                                                                

 


Lượt người xem:684
Tin khác
Thứ bảy ,  21 /12 /2024

Liên kết


Lượt truy cập

         Tháng này               57,302
         Tất cả                     818,897
         Đang online             52